Đang xử lý.....

Danh sách hỏi đáp

22 Câu hỏi tìm thấy
Open Người gửi: Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh Quản lý chất lượng Thời gian gửi: 14:27 28/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 71
Nội dung
Trả lời

Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Trong đó quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Do đó, chủ đầu tư thực hiện đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng CNTT theo quy định tại Nghị định này.

Open Người gửi: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Tổng mức đầu tư, dự toán Thời gian gửi: 14:16 28/09/2023
Trả lời: 2 Lần xem: 104
Nội dung
Trả lời

Cho đến nay, Bộ TTTT đã ban hành nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn xác định chi phí, định mức về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, cụ thể như sau:

- Định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN (Quyết định 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 và Quyết định 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019);

- Định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng CNTT (Quyết định 1601/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 và Quyết định 1235/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2014);

- Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng CNTT (Quyết định 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011);

- Định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động chuyển giao ứng dụng CNTT (Quyết định 2331/QĐ-BTTTT ngày 15/12/2017);

- Định mức kinh tế - kỹ thuật​ triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở (Quyết định 1872/QĐ-BTTTT ngày 14/11/2018);

- Hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ (Công văn 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011);

- Hướng dẫn kiểm thử phần mềm nội bộ (Công văn 3787/BTTTT-THH ngày 26/12/2014);

- Hướng dẫn lập dự toán chi phí khảo sát dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN (Công văn 1951/BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/7/2013);

- Thông tư 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn NSNN.

- Thông tư 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 quy định lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT;

- Thông tư 12/2020/TT-BTTTT ngày 29/5/2020 hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.

- Quyết định 129/QĐ-BTTTT ngày 03/02/2021 hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.

Các văn bản về định mức, hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT được ban hành đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trong công tác lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng CNTT.

Trường hợp các nội dung công việc chưa có/không có định mức thì cơ quan, đơn vị tiến hành lập dự toán kinh phí hoặc căn cứ theo báo giá thị trường để thực hiện.

Open Người gửi: Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc Quy trình, thủ tục Thời gian gửi: 14:09 28/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 57
Nội dung
Trả lời

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Ngân sách nhà nước: “Dự toán chi thường xuyên được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.

Như vậy: Chủ trương thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP (chủ trương đầu tư) chính là nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Ngân sách nhà nước.

Open Người gửi: Trần Hải Thuận Đề cương, dự toán chi tiết Thời gian gửi: 14:05 28/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 62
Nội dung
1) Theo điểm d, khoản 1, Điều 51, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 có quy định về thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị đối với: Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu. Như vậy nếu cơ quan chuyên môn quản lý CNTT thuộc UBND tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống đối với các sở, ban ngành tỉnh; UBND cấp huyện phải xin ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông về phương án giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đúng hay sai? 2) Đối với các Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng (kể cả thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh hay UBND cấp huyện, giám đốc các sở ngành tỉnh) để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì Sở Thông tin và truyền thông đều được giao là đơn vị thẩm định đề cương dự toán chi tiết là đúng hay sai? 3) Khi Sở Thông tin và Truyền thông được giao là đơn vị thẩm định đề cương và dự toán chi tiết đối với nhiệm vụ nâng cấp phần mềm Cổng thông tin điện tử (giá trị dự toán 900 triệu đồng), nhiệm vụ này không có cấu phần thiết bị phần cứng, thì Sở thông tin và truyền thông có được yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng thư thẩm định giá dự toán nhiệm vụ nâng cấp phần mềm Cổng thông tin điện tử không?
Trả lời

1) Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị:

Do đó, việc quy định phải có ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông về phương án giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nói trên cần phải căn cứ vào quy định pháp luật về mua sắm mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên và các yêu cầu đặc thù của địa phương.

2) Việc thẩm định đề cương và dự toán chi tiết gồm 02 nội dung như sau:

- Thẩm quyền thẩm định đề cương, dự toán chi tiết (đầu mối thẩm định):

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, đơn vị đầu mối thẩm định do người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết giao (Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị chuyên môn trực thuộc). Sở Thông tin và Truyền thông có thể là đơn vị đầu mối thẩm định nếu được giao.

- Thẩm quyền thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của đề cương và dự toán chi tiết:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, tại địa phương, tất cả hoạt động ứng dụng CNTT trong trường hợp lập đề cương và dự toán chi tiết đều phải lấy ý kiến thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của Sở Thông tin và Truyền thông.

3) Trong trường hợp Sở TTTT được giao là đơn vị đầu mối thẩm định đề cương và dự toán chi tiết thì Sở TTTT tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, trong đó có các nội dung của dự toán chi tiết.

Theo quy định về cơ sở lập dự toán chi tiết tại Điều 5 của Thông tư này, đối với các nội dung chi chưa có định mức, đơn giá, có thể tham khảo giá thị trường, thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định. Do đó, đơn vị đầu mối thẩm định có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng thư thẩm định giá liên quan để làm cơ sở xem xét, thẩm định các nội dung của dự toán chi tiết.

Open Người gửi: Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn Đề cương, dự toán chi tiết Thời gian gửi: 14:00 28/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 69
Nội dung
Trả lời

1. Về hướng dẫn thực hiện định mức, đơn giá, mức chi đối với dự án CNTT khi lập đề cương và dự toán chi tiết:

- Khoản 1 Điều 5 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2021 quy định cơ sở lập dự toán chi tiết gồm có: “Các định mức, đơn giá do Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ quản lý chuyên ngành và địa phương ban hành theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP”.

Hiện nay, Bộ TTTT đã ban hành các định mức liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng CNTT như: định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT; định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm; định mức tạo lập CSDL; định mức chuyển giao ứng dụng CNTT; định mức triển khai áp dụng phần mền nguồn mở.

Bộ TTTT cũng đã ban hành hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT (QĐ 129/QĐ-BTTTT ngày 03/02/2021).

Như vậy, địa phương căn cứ vào các định mức, đơn giá đã ban hành để xác định dự toán chi tiết khi thực hiện lập đề cương và dự toán chi tiết như quy định, hướng dẫn tại Thông tư 03/2020/TT-BTTTT.

2. Bổ sung các nội dung chi: Chi phí chung, thu nhập chịu thuế trong dự toán chi tiết khi lập đề cương và dự toán chi tiết

- Nội dung, các loại chi phí của dự toán chi tiết đã được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020. Địa phương căn cứ quy định này để thực hiện.

- Đối với chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước khi xác định giá trị phần mềm nội bộ theo phương pháp tính chi phí: Nội dung này đã được hướng dẫn, quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 (Phụ lục 02).

Do đó, địa phương căn cứ vào các quy định nêu trên để thực hiện lập đề cương, dự toán chi tiết.

Open Người gửi: Cổng Dịch vụ công quốc gia Quy trình, thủ tục Thời gian gửi: 14:44 23/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 52
Nội dung
Trả lời

1. Khoản 7 Điều 31 Luật Đầu tư công quy định một trong các nội dung của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B bao gồm “Phân chia các dự án thành phần (nếu có)”.

2. Khoản 2 Điều 44 Luật Đầu tư công quy định một trong các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng bao gồm: “phân tích, lựa chọn quy mô hợp lý; xác định phân kỳ đầu tư”.

3. Tại mẫu số 4 (Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án) kèm theo Nghị định 40/2020/NĐ-CP đã nêu nội dung về dự kiến tổng mức đầu tư: “Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: (trong đó làm rõ nguồn vốn đầu tư và mức vốn cụ thể theo từng nguồn, phân kỳ đầu tư sử dụng nguồn vốn theo thời gian cụ thể, dự kiến bố trí vốn)”.

4. Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước không quy định về phân chia dự án thành phần, phân kỳ đầu tư và hình thức quản lý dự án đối với từng phân kỳ (giai đoạn) của dự án.

Do đó, việc phân chia dự án thành phần, phân kỳ đầu tư và tổ chức thực hiện theo phân chia dự án, phân kỳ đầu tư đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công (trong đó bao gồm phân kỳ vốn, TMĐT, quản lý dự án) thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công.

Open Người gửi: Cổng Dịch vụ công quốc gia Quy trình, thủ tục Thời gian gửi: 14:41 23/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 63
Nội dung
1. Theo điểm b, Khoản 1, Điều 10 của Nghị định 73 nêu: Thiết kế 02 bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết. Ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Do thiết kế cơ sở là một phần của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, nên sau khi thẩm định thiết kế cơ, đủ điều kiện phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; Ở giai đoạn thực hiện đầu tư, Người quyết định đầu tư/Chủ đầu tư quyết định triển khai dự án theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC (nghĩa là Nhà thầu sẽ thiết kế chi tiết, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công dự án); Xin Bộ TT&TT, Cục Tin học cho biết: Với hình thức lập thiết kế chi tiết như nêu trên (thiết kế chi tiết sẽ là một phần công việc của Nhà thầu trong hợp đồng EPC) thì các thủ tục lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ phải thực hiện như thế nào ? 2. Về hình thức quản lý dự án: Đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỉ đồng trở lên, nếu Người có thẩm quyền quyết định đầu tư lựa chọn hình thức “Trực tiếp quản lý dự án khi chủ đầu tư có đủ điều kiện, năng lực” thì Chủ đầu tư có phải thành lập Ban quản lý dự án để quản lý dự án không ? Hay là Chủ đầu tư có thể sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý (ví dụ: giao cho một đơn vị trực thuộc của Chủ đầu tư có chuyên môn về lĩnh vực công nghệ thông tin quản lý dự án được không ?).
Trả lời

1. Về thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 73/2019/NĐ-CP: “Trường hợp áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp, việc triển khai thực hiện dự án theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.”.

Như vậy, trường hợp áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp (trong đó có hình thức EPC) như Quý độc giả đã nêu thì việc triển khai thực hiện dự án (trong đó có thủ tục lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế chi tiết) thực hiện theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và các quy định của pháp luật về hợp đồng có liên quan.

2. Về quản lý dự án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 73/2019/NĐ-CP: “Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án trong trường hợp trực tiếp quản lý dự án để giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự ánĐối với dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở xuống, chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý dự án

Như vậy, trường hợp dự án có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng và chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư cần thành lập Ban quản lý dự án để giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án.

Open Người gửi: Nguyễn Văn Quang Quy trình, thủ tục Thời gian gửi: 14:38 23/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 37
Nội dung
Đơn vị Tôi (Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với tổng kinh phí là 19 tỷ đồng, trong đó: năm 2021: 9 tỷ đồng; 2022: 6 tỷ đồng; năm 2023: 4 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí là vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước và Giao cho đơn vị tôi làm Chủ đầu tư. Với nội dung công việc: số hóa sổ hộ tịch tại các đơn vị là: 209 xã, phường, thị trấn; 10 huyện, thành phố và của Sở Tư pháp để cập nhật vào “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Trong đó “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” đã được Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý, duy trì theo Quyết định 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 về phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Đơn vị Tôi không phải xây dựng bất kỳ các thành phần, chức năng nào thuộc “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” mà chỉ số hóa, cập nhật thông tin, khai thác sử dụng. Trong quá trình thực hiện, Đơn vị tôi có ý định sử dụng các công cụ như: phần mềm quét, phần mềm số hóa, phần mềm quản lý dây chuyền số hóa… để đảm bảo cho việc số hóa và cập nhật thông tin vào “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” do Bộ Tư pháp quản lý được nhanh chóng và thuận lợi. Tôi xin hỏi như sau: 1. Nội dung số hóa trên có phải lập Dự án hoặc Đề cương và dự toán chi tiết hoặc thực hiện mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 2. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2021 cơ quan Tôi đã được bố trí kinh phí là: 9 tỷ đồng thuộc kinh phí chi thường xuyên. Do đây là vốn chi thường xuyên, nếu thực hiện theo một trong các hình thức nêu tại điểm 1 ở trên thì cơ quan Tôi có thể tách ra thực hiện cho từng năm riêng biệt.
Trả lời

1. Nếu hoạt động số hóa dữ liệu sử dụng kinh phí chi thường xuyên như miêu tả của Quý độc giả là hoạt động chỉ có tính chất quét, nhập liệu, cập nhật dữ liệu vào phần mềm, CSDL sẵn có của Bộ Tư pháp, không phải hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thì thuộc trường hợp tạo lập cơ sở dữ liệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP. Do đó, hoạt động này được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2. Về kinh phí bố trí năm 2021:

Do đây là vốn chi thường xuyên đã được bố trí thực hiện trong năm 2021 nên cơ quan của độc giả phải thực hiện theo quy định về chi NSNN tại Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được bảo đảm kinh phí theo đúng tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao (Điều 56 Luật NSNN); các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, chưa thực hiện hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ các trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo quy định (Điều 42 Nghị định 163/2016/NĐ-CP).

Để rõ thêm thông tin chi tiết về quản lý chi ngân sách nhà nước, độc giả liên hệ với cơ quan quản lý Tài chính của tỉnh Bắc Giang để được hướng dẫn thực hiện phù hợp với quy định trên địa bàn tỉnh.

Open Người gửi: Lê Minh Sơn Tổng mức đầu tư, dự toán Thời gian gửi: 14:36 23/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 42
Nội dung
Trả lời

1. Quyết định số 1601/QĐ-BTTTT ngày 03 tháng 10 năm 2011 vẫn còn hiệu lực phải không?

Quyết định số 1601/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 về việc công bố định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 1235/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1601/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 là định mức hiện hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, sử dụng trong việc xác định các chi phí lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm. Hai văn bản này chưa bị bãi bỏ hoặc thay thế bằng văn bản mới, do đó vẫn đang có hiệu lực thi hành.

2. Tôi muốn lập chi phí khảo sát để lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin thì áp dụng theo thông tư nào ạ?

Chi phí khảo sát lập dự án ứng dụng CNTT được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Open Người gửi: Công ty cổ phần công nghệ ISOFH Quy trình, thủ tục Thời gian gửi: 14:34 23/09/2023
Trả lời: 1 Lần xem: 35
Nội dung
Hiện tại chúng tôi hân hạnh được Bộ Y tế lựa chọn để thực hiện xây dựng nền tảng Quản lý Hệ thống Trang Thiết bị y tế nhằm phục vụ việc khai báo và tra cứu thông tin về Trang Thiết bị y tế tại địa chỉ: quanlytrangthietbiyte.com và tích hợp dữ liệu lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện tại, nền tảng này đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, chúng tôi đang rất bối rối vì không biết việc thực hiện xây dựng nền tảng như trên là thuộc loại hình nào, phải thực hiện những thủ tục pháp lý nào có để hợp thức hóa. Vì vậy, chúng tôi kính mong được Bộ hướng dẫn giúp chúng tôi những nội dung sau: 1. Việc phát triển nền tảng phần mềm và cung cấp giải pháp như trên của ISOFH là thuộc loại hình nào? 2. Việc phát triển nền tảng phần mềm và cung cấp giải pháp của ISOFH Có thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 Quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hay không? 3. ISOFH sẽ phải thực hiện những thủ tục nào để đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động này? Trình tự các bước thực hiện những thủ tục đấy là gì?
Trả lời

1. Việc phát triển nền tảng phần mềm, cung cấp giải pháp của Công ty độc giả được xác định thuộc loại hình nào cần căn cứ vào yêu cầu của việc xây dựng phần mềm, giải pháp; hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà thầu do Bộ Y tế đưa ra. Trên cơ sở đó, đối chiếu với các quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP để xác định phù hợp.

2. Về nội dung liên quan đến Thông tư 22/2019/TT-BTTTT

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tại các Điều:

- Khoản 5 Điều 3 quy định: Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh là cổng tích hợp thông tin về dịch vụ công trực tuyến, về tình hình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

- Điểm a, khoản 2 Điều 25 quy định: Bảo đảm tính thống nhất trong quá trình đầu tư, xây dựng, tuân thủ nguyên tắc mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh quy định trong Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Như vậy, chỉ Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của Bộ Y tế phải tuân thủ theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT. Đề nghị Công ty của Quý độc giả phối hợp với Bộ Y tế (đơn vị chủ trì) và Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế để xác định đây có phải là cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế trên môi trường mạng hay không, từ đó xác định việc phát triển nền tảng phần mềm và cung cấp giải pháp của ISOFH có thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT hay không.

3. Trình tự, thủ tục cần thực hiện để đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động này.

Trên cơ sở xác định rõ loại hình, yêu cầu của việc phát triển nền tảng phần mềm, giải pháp của ISOFH và nguồn vốn sử dụng, Công ty của Quý độc giả phối hợp với Bộ Y tế (đơn vị chủ trì) để xác định các thủ tục cần thực hiện. Trường hợp sử dụng vốn NSNN, cần căn cứ theo quy định của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện.