Đang xử lý.....

Lập đề cương và dự toán chi tiết

Người gửi: Trần Hải Thuận   |   Thời gian gửi: 28/09/2023 14:05
Trong: Đề cương, dự toán chi tiết   |   Phản hồi 1   |   Lần xem: 74
Chi tiết câu hỏi
1) Theo điểm d, khoản 1, Điều 51, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 có quy định về thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị đối với: Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu. Như vậy nếu cơ quan chuyên môn quản lý CNTT thuộc UBND tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống đối với các sở, ban ngành tỉnh; UBND cấp huyện phải xin ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông về phương án giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đúng hay sai? 2) Đối với các Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng (kể cả thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh hay UBND cấp huyện, giám đốc các sở ngành tỉnh) để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì Sở Thông tin và truyền thông đều được giao là đơn vị thẩm định đề cương dự toán chi tiết là đúng hay sai? 3) Khi Sở Thông tin và Truyền thông được giao là đơn vị thẩm định đề cương và dự toán chi tiết đối với nhiệm vụ nâng cấp phần mềm Cổng thông tin điện tử (giá trị dự toán 900 triệu đồng), nhiệm vụ này không có cấu phần thiết bị phần cứng, thì Sở thông tin và truyền thông có được yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng thư thẩm định giá dự toán nhiệm vụ nâng cấp phần mềm Cổng thông tin điện tử không?

Cổng thông tin đầu tư ứng dụng CNTT

1) Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị:

Do đó, việc quy định phải có ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông về phương án giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nói trên cần phải căn cứ vào quy định pháp luật về mua sắm mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên và các yêu cầu đặc thù của địa phương.

2) Việc thẩm định đề cương và dự toán chi tiết gồm 02 nội dung như sau:

- Thẩm quyền thẩm định đề cương, dự toán chi tiết (đầu mối thẩm định):

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, đơn vị đầu mối thẩm định do người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết giao (Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị chuyên môn trực thuộc). Sở Thông tin và Truyền thông có thể là đơn vị đầu mối thẩm định nếu được giao.

- Thẩm quyền thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của đề cương và dự toán chi tiết:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, tại địa phương, tất cả hoạt động ứng dụng CNTT trong trường hợp lập đề cương và dự toán chi tiết đều phải lấy ý kiến thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của Sở Thông tin và Truyền thông.

3) Trong trường hợp Sở TTTT được giao là đơn vị đầu mối thẩm định đề cương và dự toán chi tiết thì Sở TTTT tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, trong đó có các nội dung của dự toán chi tiết.

Theo quy định về cơ sở lập dự toán chi tiết tại Điều 5 của Thông tư này, đối với các nội dung chi chưa có định mức, đơn giá, có thể tham khảo giá thị trường, thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định. Do đó, đơn vị đầu mối thẩm định có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng thư thẩm định giá liên quan để làm cơ sở xem xét, thẩm định các nội dung của dự toán chi tiết.

28/09/2023 14:05