Đang xử lý.....

Cách thức thực hiện nhiệm vụ số hóa, tạo lập CSDL

Người gửi: Nguyễn Văn Quang   |   Thời gian gửi: 23/09/2023 14:38
Trong: Quy trình, thủ tục   |   Phản hồi 1   |   Lần xem: 39
Chi tiết câu hỏi
Đơn vị Tôi (Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với tổng kinh phí là 19 tỷ đồng, trong đó: năm 2021: 9 tỷ đồng; 2022: 6 tỷ đồng; năm 2023: 4 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí là vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước và Giao cho đơn vị tôi làm Chủ đầu tư. Với nội dung công việc: số hóa sổ hộ tịch tại các đơn vị là: 209 xã, phường, thị trấn; 10 huyện, thành phố và của Sở Tư pháp để cập nhật vào “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Trong đó “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” đã được Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý, duy trì theo Quyết định 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 về phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Đơn vị Tôi không phải xây dựng bất kỳ các thành phần, chức năng nào thuộc “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” mà chỉ số hóa, cập nhật thông tin, khai thác sử dụng. Trong quá trình thực hiện, Đơn vị tôi có ý định sử dụng các công cụ như: phần mềm quét, phần mềm số hóa, phần mềm quản lý dây chuyền số hóa… để đảm bảo cho việc số hóa và cập nhật thông tin vào “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” do Bộ Tư pháp quản lý được nhanh chóng và thuận lợi. Tôi xin hỏi như sau: 1. Nội dung số hóa trên có phải lập Dự án hoặc Đề cương và dự toán chi tiết hoặc thực hiện mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 2. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2021 cơ quan Tôi đã được bố trí kinh phí là: 9 tỷ đồng thuộc kinh phí chi thường xuyên. Do đây là vốn chi thường xuyên, nếu thực hiện theo một trong các hình thức nêu tại điểm 1 ở trên thì cơ quan Tôi có thể tách ra thực hiện cho từng năm riêng biệt.

Cổng thông tin đầu tư ứng dụng CNTT

1. Nếu hoạt động số hóa dữ liệu sử dụng kinh phí chi thường xuyên như miêu tả của Quý độc giả là hoạt động chỉ có tính chất quét, nhập liệu, cập nhật dữ liệu vào phần mềm, CSDL sẵn có của Bộ Tư pháp, không phải hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thì thuộc trường hợp tạo lập cơ sở dữ liệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP. Do đó, hoạt động này được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2. Về kinh phí bố trí năm 2021:

Do đây là vốn chi thường xuyên đã được bố trí thực hiện trong năm 2021 nên cơ quan của độc giả phải thực hiện theo quy định về chi NSNN tại Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được bảo đảm kinh phí theo đúng tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao (Điều 56 Luật NSNN); các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, chưa thực hiện hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ các trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo quy định (Điều 42 Nghị định 163/2016/NĐ-CP).

Để rõ thêm thông tin chi tiết về quản lý chi ngân sách nhà nước, độc giả liên hệ với cơ quan quản lý Tài chính của tỉnh Bắc Giang để được hướng dẫn thực hiện phù hợp với quy định trên địa bàn tỉnh.

23/09/2023 14:39